Đức vua Trần Nhân Tông là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị anh quân cao quý, Ngài đã hai lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc Mông – Nguyên. Đặc biệt, Ngài còn được biết đến là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, người có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – cội nguồn Phật giáo thuần Việt. Với sự giác ngộ minh tâm kiến tính, Ngài được thế hệ người dân Việt tôn xưng là vua Phật Việt Nam (hay còn gọi là Phật Hoàng Trần Nhân Tông).

Tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Đức vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức 07/12/1258), là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều. Sinh thời, Ngài có tướng mạo rất phi phàm. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, khi sinh ra, thân Ngài có màu sắc hoàng kim, nước da vàng sáng rất đẹp, nên gọi Ngài là Phật kim. Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết sách vở, suốt thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời).

Vào năm 1274, khi 16 tuổi, Ngài được phong làm Hoàng Thái tử. Đã hai lần Ngài từ chối ngôi vị nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó, vua cha cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho Ngài (tức là Khâm Từ Hoàng hậu sau này). Hai vợ chồng sống trong cảnh vui hòa, hạnh phúc nhưng tâm Ngài vẫn luôn ưa thích sự tu hành.

Một hôm, vào nửa đêm, Ngài trèo thành trốn đi với ý định vào núi Yên Tử tu hành. Đến chùa Tháp núi Đông Cứu, vì người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị Sư trụ trì ở đây thấy tướng mạo Ngài phi phàm liền làm cơm thiết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm, bất đắc dĩ Ngài phải quay về cung thành.

Khi trưởng thành, Ngài được vua cha đặc biệt quan tâm, nhằm chuẩn bị cho việc kế tục ngai vàng, chấn hưng Đại Việt. Năm 21 tuổi (năm 1279), Ngài lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trần Nhân Tông, tự xưng là Hiếu Hoàng. Tuy ở địa vị cao sang, Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh và thường đến chùa Tư Phước tu tập. Một hôm nghỉ trưa, Ngài mơ thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn bằng bánh xe, trên hoa sen có Đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là Đức Phật Biến Chiếu”. Tỉnh giấc, Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ lạ và đặc biệt.

Sau giấc chiêm bao, Ngài bắt đầu ăn chay nên thân thể gầy ốm. Vua Thánh Tông biết được nên khóc than: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?” Mặc dù rơi nước mắt nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn quyết ăn chay.

Những khi giặc Nguyên sang xâm chiếm Đại Việt , Ngài gác việc tu học Phật Pháp để lo giữ gìn xã tắc. Với tài mưu lược sáng suốt, khả năng đoàn kết toàn dân, Ngài đã hai lần cùng vua cha và các tướng lĩnh lãnh đạo quân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông (1285, 1287 – 1288), bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Sau 14 năm trị vì đất nước năm Quý Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên ngôi Thái thượng hoàng, chuẩn bị con đường xuất gia tu hành.

Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Ngài xuất gia tu hành ở núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ở đây, Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà (khổ hạnh), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà và sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sau đó Ngài lập chùa, cất tinh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng, vì vậy học chúng đua nhau đến rất đông.

Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở Phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến (nay thuộc tỉnh Quảng Bình) rồi ở đó. Khi tu tập trên núi Yên Sơn thành tựu được sự giác ngộ, Ngài xuống núi đi hoằng dương Phật Pháp, làm lợi lạc cho chúng sinh.

Năm 1308, sau nhiều năm xuất gia tu tập, Thượng hoàng Trần Nhân Tông (hiệu là Trúc Lâm đại sĩ) viên tịch tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Với những đóng góp to lớn của Trần Nhân Tông cho đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được người đời kính trọng, sau được suy tôn là Phật Hoàng Trần Nhân Tông (hay còn gọi là vua Phật Việt Nam).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục:

Tiểu sử Sư Tổ chùa Ba Vàng
Giới thiệu

Tổ Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác là đệ tử là người tiếp nối dòng thiền thời Trần sau 400 năm bị thất truyền...

3 điều quý giá tại khóa tu thiền: Điều số 1 nhiều người mong cầu
An sinh xã hội, Bài viết, Tin tức

Lần đầu tiên, chùa Ba Vàng tổ chức cho các Phật tử trong CLB Cúc Vàng được tham gia khóa tu “Tập thiền Tứ Niệm Xứ” lần thứ 1. Đây thực là một chương trình tu quý báu và thiết thực đối với những ai từng tham gia.

Tết Nguyên Đán: Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền
An sinh xã hội, Bài viết, Tin tức

Tết Nguyên Đán là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau sau một năm bận rộn; gác lại những bộn bề của cuộc sống để cùng nhau tận hưởng những phút giây hạnh phúc bên gia đình; thưởng thức những hương vị cổ truyền của dân tộc trong mâm cỗ đoàn viên. Nhắc đến Tết, cảm nhận không khí ấm áp của Tết, trong lòng mỗi người con Việt đều dâng lên những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến khó diễn tả hết thành lời.

Hoa đào hoa mai ngày Tết: Ý nghĩa sâu xa mà bạn nên biết!
Bài viết, Giới thiệu

Hoa đào và hoa mai đã trở thành biểu tượng của ngày Tết Nguyên Đán. Vậy nên, từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ trong nhà cho đến khắp phố phường người ta đều bắt gặp sắc hồng, sắc vàng của những cành đào cành mai đang báo hiệu một năm mới sắp tới. Thế...